Đá Chalcedony là một dạng thạch anh vi tinh thể với nhiều màu sắc và hoa văn khác nhau. Một số loại đá thuộc dạng Chalcedony có thể kể đến như: mã não, Onyx và đá Jasper. Chalcedony có độ cứng khá tốt, rất phù hợp làm trang sức đá quý.
Nội Dung Bài Viết
Đá Chalcedony là gì?
Đá Chalcedony là một dạng Silica có kết cấu tinh thể ẩn được hình thành từ những hạt thạch anh và Maganit độ mịn cao. Loại thạch anh vi tinh thể này có rất nhiều biến thể với những màu sắc khác nhau.
Đá Chalcedony được đặt tên theo một thị trấn Hy Lạp cổ đại có tên là “Chalkedon”. Tên gọi “Chalcedony” có nguồn gốc từ tiếng La Tinh “Chalcedonius”, một khoáng chất oxit thạch anh, chứa nhiều loại đá có màu sắc và vân đẹp mắt được hình thành trong quá trình phun trào núi lửa trong đá lửa, đá trầm tích và đá biến chất.
Người La Mã sử dụng loại đá này để làm con dấu, bùa hộ mệnh và nhẫn cho phái mạnh, trong khi thổ dân châu Mỹ da đỏ sử dụng cho các mục đích nghi lễ. Mặc dù theo thời gian, công dụng của loại đá này đã thay đổi, nhưng giá trị vẫn không hề giảm sút, thậm chí còn tăng hơn nhiều.
Tất cả các loại đá bán quý từ nhóm đá chalcedony đều khá cứng, đó là lý do tại sao nhóm đá này khá phổ biến để làm thành đồ trang trí và đồ trang sức khác nhau.
Dưới đây là một số loại đá biến thể điển hình của đá Chalcedony:
- Đá mã não: loại đá có những dải vân nhiều màu, xếp thành nhiều tầng màu sắc cạnh nhau.
- Đá Aventurine: đá với màu xanh lục chủ đạo.
- Đá Bloodstone: có màu xanh lục đậm đến xanh lục đen với các đốm nâu hoặc đỏ.
- Đá Carnelian: có màu cam hoặc màu nâu đỏ tổng thể.
- Đá Chrysoprase: loại đá có màu xanh táo hoặc có màu xanh đậm hơn.
- Đá Jasper: có màu đỏ, nâu, xanh lục và vàng.
- Đá Onyx: đa dạng màu từ đỏ, cam hoặc nâu với các dải màu trắng.
- Đá Sard: đá có màu vàng đến nâu.
- Đá Sardonyx: nhiều màu như xám, đen, nâu, vàng, trắng, tím, hồng và xanh lục.
- Đá mắt hổ: màu nâu vàng hoặc màu xanh với các sọc màu chạy xen kẽ.
Đá Chalcedony: tính chất vật lý và tính chất hóa học
Công thức hóa học | SiO2 |
Hệ tinh thể | Ba phương |
Màu sắc | Không màu, trắng, xám, xanh lam, thay đổi theo số lượng và loại tạp chất |
Độ cứng trên thang Mohs | 6.5 – 7 điểm trên thang Mohs |
Độ bóng | Thủy tinh thể khi được đánh bóng, các bề mặt bị đứt gãy có độ bóng mờ hoặc bóng như sáp |
Khối lượng riêng | 2.6g/cm3 |
Phân tách tinh thể | Không quan sát được. Ít giòn hơn thạch anh Macrocrystalline |
Trong suốt | Từ trong suốt đến mờ |
Vết nứt gãy | Dạng vỏ sò và vỏ sò không rõ ràng |
Màu vết gạch | Trắng |
Sự bền bỉ | Giòn |
Ý nghĩa của đá Chalcedony
Đá Chalcedony được xem là viên đá niềm vui, giúp nuôi dưỡng sự ổn định về cảm xúc, xua tan hết sợ hãi, và làm dịu nỗi đau và giúp bạn sống với chính mình. Loại đá này còn khuyến khích khả năng phản hồi, tính tiếp thu, lòng tốt, sự hào phóng và thân thiện ở người sử dụng.
Bên cạnh đó, Chalcedony còn hỗ trợ điều trị bệnh loạn thần kinh, chứng trầm cảm, các triệu chứng sốt ở con người.
Loại đá này đặc biệt thích hợp với những người có tính nóng giận và dễ bị tổn thương nhờ khả năng cân bằng tâm trạng, giúp người sử dụng kiềm chế cảm xúc.
Đá Chalcedony hợp với mệnh gì?
Đá Chalcedony có nhiều biến thể tồn tại trong tự nhiên với màu sắc đa dạng, tùy vào cung mệnh của bạn để lựa để chọn một viên đá quý phù hợp.
- Đối với người mệnh Thủy: phù hợp với đá màu đen, xám đen và xanh dương.
- Đối với người mệnh Kim: phù hợp với đá màu trắng, xám, ghi và vàng nâu.
- Đối với người mệnh Mộc: phù hợp với đá màu xanh lục hoặc đen.
- Đối với người mệnh Hỏa: phù hợp với đá màu đỏ và hồng.
- Đối với người mệnh Thổ: phù hợp với đá màu cam, vàng hoặc nâu.
Đá Chalcedony hợp với cung hoàng đạo nào?
Đá Chalcedony là biểu tượng của niềm vui, hạnh phúc nên đặc biệt thích hợp với người thuộc chòm sao Nhân Mã.
Loại đá quý có màu sắc đa dạng này sẽ giúp bạn gặp được nhiều điều tốt lành, niềm vui, hi vọng và may mắn trong cuộc sống.
Cách bảo quản và làm sạch đá Chalcedony
Đạt điểm 6-7 trên thang độ cứng Mohs, đá Chalcedony là một loại có độ bền cao nhưng khá dễ bị trầy xước, vì vậy không nên sử dụng máy chà hoặc các vật cứng khác để làm sạch. Bạn có thể làm sạch loại đá quý này bằng nước xà phòng ấm và bàn chải mềm.
Nên bảo quản viên đá trong hộp đựng có lót vải hoặc bọc trong quần áo mềm và không để đá tiếp xúc với nhiệt trực tiếp nhằm tránh gây phai màu, mất màu đá.
Các trang sức gắn đá Chalcedony nên để riêng để tránh trường hợp viên đá va chạm với các kim loại dẫn đến trầy xước bề mặt.
Đánh giá chất lượng của đá Chalcedony
Màu sắc (Color)
Đá Chalcedony thường chứa các tạp chất ảnh hưởng đến màu sắc như sắt, niken, đồng và titan. Loại đá này được tìm thấy với các màu vàng sạm, màu trắng xanh, màu vàng, màu xám hoặc màu nâu. Màu sắc càng sặc sỡ và phân chia rõ rệt các mảng thì viên đá càng có giá trị.
Độ tinh khiết (Clarity)
Đá Chalcedony có độ trong suốt từ mờ đến mờ đục và hiển thị ánh sáng như sáp, thủy tinh thể hoặc xỉn màu khi được đánh bóng. Nếu chứa đựng nhiều tạp chất, viên đá sẽ càng trở nên độc đáo nhưng không vì thể mà ảnh hưởng đến độ tinh khiết.
Nhìn chung, loại đá này có màu trắng đục và có thể có các tạp chất hoặc vết đứt gãy nhẹ, nhưng không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đá Chalcedony hiếm khi xuất hiện bất kỳ vết nứt nào trên bề mặt. Do đó bạn có thể tự tin lựa chọn các viên đá có khiếm khuyết nhỏ mà không lo viên đá bị mất giá trị.
Giác cắt (Cut)
Loại đá này thường được cắt theo dạng cabochon để tăng cường độ sáng. Một số kiểu cắt phổ biến khác của đá Chalcedony là: hình bầu dục, hình tròn, hình đệm,…
Hình dạng đá Chalcedony tumbled và hạt xoắn lạ mắt cũng nhận được sự yêu thích của nhiều người.
Trọng lượng (Carat)
Đá Chalcedony thường được mua bán bằng trọng lượng và kích cỡ. Viên đá càng lớn thì giá trị càng cao.
6 biến thể phổ biến của đá Chalcedony
Đá Chalcedony có chứa nhiều tạp chất và tùy vào từng loại tạp chất bên trong mà có những tên gọi khác nhau. Mỗi biến thể sẽ mang một màu sắc và vân riêng biệt. Sau đây là một số biến thể phổ biến của loại đá này:
1. Đá mã não
Đá mã não có nhiều màu, bao gồm nâu, trắng, đỏ, xám, hồng, đen và vàng. Những đường vân cong và đồng tâm khiến loại đá này trở nên hấp dẫn hơn đối với những nhà chế tác đồ trang sức.
Ngoài ra, còn một số loại như đá mã não khác như: mã não rêu (Moss Agate), mã não đa diện (Polyhedroid Agate), mã não đuôi gai (Dendritic Agate) và mã não lửa (Fire Agate). Các loại đá mã não có vân và màu sắc khác nhau do chứa các tạp chất khác nhau.
2. Đá Carnelian
Đá Carnelian được nhận biết bởi độ trong suốt, tông màu hơi đỏ với các mảng màu nâu pha trộn ngẫu nhiên. Đôi khi, đá Carnelian có thể bị nhầm lẫn với đá Sard hoặc đá Jasper do có màu sắc và đặc tính tương tự. Tuy nhiên, đá Jasper không trong suốt nên được có thể dễ dàng phân biệt.
Đá Carnelian chủ yếu có màu sắc đều nhau, nhưng cũng có một số viên có thể có các mảng hoặc sọc sẫm màu.
3. Đá Chrysoprase
Trong tự nhiên, đá Chrysoprase được tìm thấy ở dạng mờ đục đến trong suốt. Loại đá Chalcedony này có màu xanh táo bắt mắt, do chứa các tạp chất niken silicat hoặc niken oxit.
Đá Chrysoprase chất lượng cao chủ yếu được tìm thấy tại Queensland, Úc nên loại đá quý này còn được gọi là ngọc bích của Úc.
4. Đá Bloodstone
Đá Bloodstone, hay Huyết Ngọc, có các sắc thái màu xanh lục đậm cùng các tạp chất màu đỏ đi kèm. Loại đá quý này hiển thị ánh thủy tinh khi được đánh bóng.
Cũng có một số loại Huyết Ngọc màu xanh đen được tìm thấy trong tự nhiên.
5. Đá Chrome Chalcedony
Đá Chrome Chalcedony được hình thành bởi một lượng nhỏ crom lẫn trong đá tạo lên màu xanh lục. Loại đá này còn có nhiều tên gọi khác như: đá Mtorolite, đá Mtorodite hoặc đá Matorolite. Đôi khi, đá Chrome chalcedony bị nhiều người nhầm lẫn với đá Chrysoprase.
6. Đá Onyx
Đá Onyx là một khoáng chất oxit với những dải vân song song. Loại đá này có nhiều màu sắc khác nhau bao gồm trắng, đen, xám, đỏ và nâu.
Đá Onyx được xác định với vẻ ngoài trong suốt, bóng như thủy tinh thể và có một vài vệt trắng.
Đá Chalcedony đã qua xử lý
Đá Chalcedony khá xốp nên có thể được nhuộm hoặc xử lý nhiệt để tăng cường màu sắc. Phương pháp chiếu xạ ánh sáng, mặc dù không phổ biến, vẫn có thể được sử dụng để tăng cường màu sắc cho các loại đá này.
Hầu hết, đá Chalcedony trên thị trường thường không được xử lý bằng bất kỳ hình thức nào. Nhưng vẫn có một số loại đá được xử lý tăng cường màu như đá mã não nhuộm.
Có thể dễ dàng nhuộm đá Chalcedony để làm giả thành các loại đá quý khác, chủ yếu là loại đá biến thể trong nhóm đá này như: đá Carnelian hoặc đá mã não xuyên sáng. Phương pháp khử màu cũng có thể làm tăng màu sắc của đá Chalcedony.
4 cách nhận biết đá Chalcedony nhuộm
Tại các gian hàng, buổi triển lãm hay các cửa hàng đá quý, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp viên với màu sắc rực rỡ được bán dưới dạng đá mã não hoặc đá Chalcedony. Những viên đá này thường có độ bão hòa cao và màu sắc đồng nhất. Sắc màu rực rỡ này có thể đã được qua xử lý màu sắc từ viên đá Chalcedony sáng màu ban đầu.
Để nhận biết đá Chalcedony có màu sắc tự nhiên hay được nhuộm, bạn có thể dựa vào 4 dấu hiệu nhận biết sau:
- Độ bão hòa màu sắc: có rất ít những viên đá Chalcedony nguyên chất có độ bão hòa màu cao. Các viên đá lớn với độ bão hòa cao và trong suốt hầu như luôn luôn là đá đã qua xử lý.
- Màu sắc trong các vết nứt: thông thường thuốc nhuộm ăn qua đá bằng hoạt động của mao dẫn. Điều này có nghĩa là các vết nứt và đứt gãy trong đá sẽ hấp thụ nhiều thuốc nhuộm hơn và nổi bật hơn.
- Màu sắc đồng nhất: nếu đá mã não có các dải màu sắc đều đồng nhất thì đó là viên đá đã được nhuộm. Hầu hết các mã não tự nhiên đều có các dải màu sắc khác nhau.
- Giá cả: những viên đá Chalcedony có màu sắc rực rỡ với mức giá hợp lý thì thường không phải là đá tự nhiên mà là loại đá đã được nhuộm. Các loại đá có màu đậm như đá silica, đá Chrome Chalcedony rất đắt và hiếm. Đôi khi loại đá này cũng bị làm giả, nhưng không phổ biến vì những người mua có thể dễ dàng nhận biết dựa vào màu sắc và độ ấm …
Đá Chalcedony được tìm thấy ở đâu?
Đá Chalcedony được tìm thấy trong đá trầm tích hoặc môi trường núi lửa. Loại đá này được tìm thấy nhiều nhất ở Hoa Kỳ.
Ngoài ra, loại đá này còn được tìm thấy ở Uruguay, Ấn Độ, Madagascar, Myanmar, Mexico, Brazil và Tây Nam Phi.