De Beers là gì và có vị trí như thế nào so với các công ty kim cương nổi tiếng thế giới?
De Beers S.A là một công ty Nam Phi chuyên sản xuất và phân phối kim cương lớn nhất thế giới. Thông qua nhiều công ty con và thương hiệu của mình, công ty kim cương De Beers tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của ngành công nghiệp này, bao gồm khai thác, kinh doanh và bán lẻ và trở thành một trong những công ty kim cương nổi tiếng thế giới
Vào đầu thế kỷ 21, công ty đã nắm trong tay 40% nguồn cung toàn cầu, bao gồm cả những dây chuyền được sử dụng hỗ trợ cho các ứng dụng công nghiệp. De Beers cũng góp mặt trong hoạt động sản xuất chất nổ và sản xuất hóa chất tại các mỏ vàng, than, đồng; và chế tác kim cương nhân tạo. Trụ sở chính của De Beers nằm tại Johannesburg, Nam Phi (South Africa)
Nội Dung Bài Viết
Công ty kim cương De Beers: tình hình hoạt động kinh doanh
Công ty kim cương De Beers hoạt động tại hơn 20 quốc gia trên sáu lục địa sử dụng hơn 13.000 người và có các hoạt động khai thác trên khắp Botswana, Namibia, Nam Phi và Canada.
De Beers kiểm soát khoảng 40% thị trường kim cương thô toàn cầu.
Hiện tại, một công ty kim cương nổi tiếng khác là gã khổng lồ khai khoáng Anglo American chiếm 45% cổ phần của De Beers, gia tộc Oppenheimer ở Nam Phi sở hữu 40% và 15% còn lại do chính phủ Botswana nắm giữ.
Công ty kim cương De Beers bắt đầu xâm nhập thị trường kim cương ở Botswana vào tháng 3 năm 1955. Trong những năm gần đây, chiếm 30% GDP và 39% doanh thu công của đất nước này.
Công ty kim cương De Beers: quá khứ lẫy lừng
Kim cương lần đầu tiên được phát hiện ở miền nam châu Phi vào giữa những năm 1860 tại trang trại của Nicolas và Diederick De Beer, thuộc về thành phố Kimberley ngày nay. Hai mỏ tại trang trại này từng đạt năng suất khai thác cao nhất thế giới nhưng bây giờ chúng không còn hoạt động nữa.
Công ty kim cương De Beers mượn tên từ anh em nhà De Beer, người sở hữu đất nông nghiệp ở Nam Phi, nơi cả mỏ De Beers và mỏ Kimberley nổi tiếng được khai thác trong một cơn sốt kim cương bắt đầu từ năm 1871.
Vào năm 1871, doanh nhân người Anh Cecil Rhodes – cha đẻ của công ty kim cương De Beers đã mua những mỏ kim cương cho riêng mình, đầu tiên là mỏ De Beers và cuối cùng đã thu mua lại hầu hết các mỏ ở miền nam châu Phi.
Năm 1888, ông thành lập De Beers Consolidated Mines, Ltd. Để giữ mức giá cao của kim cương lúc bấy giờ và khiến nhu cầu thị trường ổn định, Rhodes cũng chuyển sang nắm quyền kiểm soát việc phân phối sản phẩm trên thế giới. Vào giữa những năm 1890, ông đã thành lập Diamond Syndicate, tiền thân của Central Selling Organization (Tổ chức Trung tâm Bán hàng ), là một nhóm các tổ chức tài chính và marketing hiện đại kiểm soát phần lớn hoạt động buôn bán trên thế giới. Hiện nó được gọi là Công ty Thương mại Kim cương (DTC).
Việc phát hiện ra các mỏ kim cương lớn gần Pretoria và dọc theo bờ biển Tây Nam Phi thuộc Đức (nay là Namibia) lần lượt vào năm 1902 và 1908 đã làm suy yếu nghiêm trọng quyền kiểm soát của De Beers đối với thị trường. Ernest Oppenheimer, người đã thành lập Tập đoàn Anglo-American vào năm 1917, đã lấn sân sang ngành công nghiệp kim cương vào những năm 1920, giành quyền kiểm soát các mỏ ở Tây Nam Phi. Năm 1925, ông đã lập nên một tập đoàn mới.
Oppenheimer mua một ghế trong hội đồng quản trị của De Beers vào năm 1926 và trở thành chủ tịch sau ba năm. Từ vị trí này, Oppenheimer đã củng cố kế hoạch biến De Beers trở thành đế chế độc quyền kim cương do Rhodes khởi xướng.
Trong những năm đầu, số lượng kim cương công ty sản xuất chiếm hơn 90% nguồn cung trên thế giới, nhưng thị phần toàn cầu của công ty giảm dần khi các công ty trẻ nổi lên và bắt đầu bán sản phẩm trực tiếp ra thị trường, làm suy yếu thế độc quyền của công ty.
Công ty kim cương De Beers: khẩu hiệu “Kim cương là mãi mãi – A Diamond Is Forever”
Vào những năm 1930, trong thời kỳ đại suy thoái, nhu cầu về kim cương trên toàn thế giới giảm đáng kể, bắt buộc De Beers phải đóng cửa một số mỏ. Để tăng doanh số bán hàng, công ty kim cương De Beers đã hợp tác cùng công ty N.W. Ayer and Son, tiến hành chiến dịch quảng bá nhắm tới người tiêu dùng mỹ với khẩu hiệu “A Diamond Is Forever” (Kim cương là mãi mãi) vào năm 1947.
Chiến dịch đã quảng bá thành công hình ảnh lãng mạn của những viên kim cương sang trọng, đem đến cho “thủ lĩnh đá quý” hình ảnh gắn với lối sống ngoại ô giàu có, thoải mái và an toàn mà nhiều người Mỹ mong muốn trong những năm 1950. “A Diamond Is Forever” còn được bình chọn là khẩu hiệu quảng cáo hàng đầu của thế kỷ 20.
Bắt đầu từ những năm 1960, De Beers đã cố gắng thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng đối với kim cương bằng cách cho ra mắt đồ trang sức độc đáo phù hợp với những dịp đặc biệt, chẳng hạn như kỷ niệm ngày cưới với “The Eternity ring” (Chiếc nhẫn vĩnh cửu) .
Diamond Tennis Bracelet (Vòng tay quần vợt bằng kim cương) được ra mắt vào những năm 1980, trở thành xu hướng sau khi ngôi sao quần vợt Chris Evert vô tình đánh rơi chiếc vòng tay của cô trong một trận đấu Tennis. Năm 2001, De Beers bắt đầu tiếp thị “The right-hand ring” (chiếc nhẫn bên tay phải) dành cho phụ nữ độc thân, được thiết kế như một biểu tượng của sự độc lập và tự do.
Công ty kim cương De Beers: các cuộc điều tra và các chỉ trích liên quan đến kim cương máu
Kể từ cuối thế kỷ 20, công ty kim cương De Beers đã bị chỉ trích công khai và đôi khi bị truy tố vì nhiều hành vi phạm tội khác nhau. Trong suốt những năm 1990, công ty bị giám sát chặt chẽ sau vụ việc “Kim cương đẫm máu” – nghĩa là kim cương được khai thác trong khu vực dưới sự kiểm soát của các lực lượng chống lại chính phủ hợp pháp của một số quốc gia và được bán bất hợp pháp để trở thành nguồn tài trợ cho hành động quân sự chống lại chính phủ nước đó.
- Năm 1999, công ty ngừng mua kim cương từ các nhà sản xuất bên ngoài Central Selling Organization để đảm bảo rằng họ không còn tiến hành giao dịch bất hợp pháp.
- Năm 2005, công ty kim cương De Beers Consolidated Mines thông báo rằng họ sẽ chuyển hơn 15% cổ phần của công ty cho Ponahalo Investment Holdings, một tập đoàn đầu tư thuộc sở hữu của người da đen.
- Năm 2007, hoạt động tại Canada và khai thác Mỏ Snap Lake ở Lãnh thổ Tây Bắc được bắt đầu. Đây là mỏ kim cương đầu tiên của tập đoàn bên ngoài châu Phi. Sau đó một năm, công ty đã khai thác mỏ Victor ở Bang Ontario, Canada.
- Năm 2004, công ty đã ký một thỏa thuận với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, trong đó họ nhận tội cố ý định giá kim cương và đồng ý trả khoản tiền phạt 10 triệu đô la. Bốn năm sau, công ty đã trả 295 triệu đô la để giải quyết một số vụ kiện tập thể với cáo buộc quảng cáo gây hiểu lầm, vi phạm nhân quyền, âm mưu độc quyền cung cấp kim cương một cách bất hợp pháp.
Ngày nay, mặc dù công ty kim cương De Beers không còn là đế chế độc quyền kim cương hùng mạnh nhất thế giới như xưa nhưng vẫn là một trong những tòa thành kiên cố trong thị trường kim cương toàn cầu với doanh thu hàng tỷ đô la mỗi năm.