kho vàng lớn nhất thế giới cover

Những điều thú vị về kho vàng lớn nhất thế giới

Kho vàng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, được biết đến là kho vàng lớn nhất thế giới. Ngân hàng này tuyên bố dự trữ hơn 5.800 tấn vàng đại diện cho 36 ngân hàng trung ương, chính phủ nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế, cũng như một tỷ lệ nhỏ vàng trong kho là của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.

Số vàng khổng lồ này đang được lưu giữ bằng việc sử dụng 2 kho chứa bên dưới trụ sở chính của Ngân hàng trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) ở Lower Manhattan, New York. Kho vàng đầu tiên hay còn gọi là kho vàng ‘Chính’ được mở cửa vào năm 1924. Kho thứ hai, được gọi là kho vàng ‘Phụ’, mở cửa vào năm 1963.

kho vàng lớn nhất thế giới là Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York

 

Kho vàng chính

Vị trí kho vàng chính

Kho vàng chính của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York nằm ở tầng thấp nhất của cấu trúc kho vàng 3 tầng. Kho vàng này được xây dựng dưới tầng hầm rất sâu của trụ sở chính của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York tại số 33 Phố Liberty trong khu tài chính Lower Manhattan. Tầng hầm này được gọi là tầng hầm E hoặc tầng hầm ở tầng 5 phụ. 

Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York chiếm toàn bộ một dãy phố ở Manhattan, giáp với phố Liberty, phố William, phố Maiden Lane và phố Nassau. Phố Maiden nằm ở phía bắc của tòa nhà, phố William ở phía đông, phố Liberty về phía nam và phố Nassau ở phía tây.

Vị trí kho vàng chính

 

Lịch sử kho vàng chính

Dự án xây dựng tầng hầm làm kho vàng chính ở tòa nhà 33 Liberty Street của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York bắt đầu vào năm 1921 và hoàn thành vào năm 1924. 

Quá trình xây dựng diễn ra rất phức tạp bởi vì dự án yêu cầu đào hầm ở độ sâu 87 feet (khoảng 26m) trên nền đá nhấp nhô của quận Manhattan. Thực tế, quận Manhattan là một hòn đảo. Do vậy, theo cấu trúc nền móng của tòa nhà thì độ sâu của tầng hầm thấp nhất được yêu cầu không được thấp hơn 80 feet. 

Vỏ của tầng hầm được xây dựng từ đá garnit cùng chất liệu đặc biệt – sự kết hợp của kim loại và bê tông, tương tự như bê tông cốt thép. 

Báo cáo thường niên năm 1921 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho biết:

“Việc xây dựng nền móng được coi là một trong những phần khó nhất và chính xác nhất mà kỹ thuật xây nền móng từng được thực hiện”. 

 

Khi công việc đào tầng hầm hoàn tất, kho vàng 3 tầng đã được đưa xuống đúng vị trí quy hoạch. Ban đầu, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York lưu trữ giấy tờ chứng khoán trong kho vàng ở tầng hầm C, tiền tệ trong kho vàng ở tầng hầm D, và vàng thỏi, tiền xu trong kho vàng thấp nhất ở tầng hầm E.

Lịch sử kho vàng chính

 

Cấu trúc của kho vàng chính

Ba tầng của cấu trúc kho vàng được gọi là tầng hầm C, D và E. Kho vàng chính, nằm ở tầng hầm E.  Kho vàng chính có chiều dài xấp xỉ một nửa chiều dài của một sân bóng đá.

Lối vào kho vàng chính được bảo vệ bằng một cánh cửa thép nặng 90 tấn. Cánh cửa này được đặt trong một khung bê tông cốt thép nặng 140 tấn và có hình trụ quay 90 độ để tạo thành một lối vào. Khi đóng lại, cánh cửa cũng giảm xuống vài cm để tạo thành một vòng đệm kín nước và kín khí. Kho vàng an toàn đến mức nếu ai đó bị mắc kẹt bên trong, họ sẽ chỉ có đủ không khí để tồn tại trong 72 giờ.

Nếu có một ý tưởng điên rồ là thực hiện một vụ cướp ở đây. Bạn phải dùng máy khoan có lực mạnh nhất thế giới được trang bị bằng đầu kim cương và thực hiện trong vòng 2 tháng mới có thể xuyên thủng cánh cửa này.

Tuy nhiên, đây là điều không thể vì Kho vàng chính này còn được bảo vệ vòng ngoài bởi hệ thống máy quay an ninh có cảm biến chuyển động ở mọi nơi và có nhân viên giám sát 24/24. Những nhân viên giám sát ở đây đến từ lực lượng cảnh sát vũ trang của Cục Dự trữ Liên bang, được trang bị những vũ khí hạng nặng và được luyện tập ở khu tập bắn riêng trong tòa nhà. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có vụ đột nhập nào xảy ra thành công tại kho vàng này.

cấu trúc kho vàng lớn nhất thế giới

 

Kho vàng chính có một hành lang rộng khoảng 1,2m bao quanh, với các bức tường bên ngoài của hành lang là chu vi thực tế của vỏ hầm. Cả các bức tường của kho vàng và các bức tường bên ngoài của hành lang đều được đúc bằng bê tông cốt thép. Cũng chính vì vậy, kho vàng chính này đôi khi được gọi là ‘kho vàng đôi’.

Bên trong kho vàng chính có 122 khoang chứa vàng. Mỗi khoang thuộc về một tài khoản khác nhau. Ngoài ra còn có khoang lưu trữ vàng chung cho những tài khoản nhỏ không có đủ số vàng đề sử dụng 1 ngăn riêng lẻ.

Các báo cáo cũ từ năm 1960 nói rằng kho vàng chính có 96 khoang, một số khoang hiện có đã được chia nhỏ theo thời gian.

Mỗi khi một khoang chứa được mở ra hay mỗi hoạt động di chuyển vàng cần ít nhất 3 nhân viên của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York có mặt để theo dõi, giám sát. Tại mỗi khoang sẽ có một khóa móc và hai khóa kết hợp cùng dấu niêm phong của kiểm toán viên Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.

Mỗi thỏi vàng được cất giữ tại kho vàng lớn nhất thế giới này nặng khoảng 12,7 kg. Do đó, nhân viên tại đây phải đi loại giày bọc kim loại đặc biệt đề phòng trường hợp vàng rơi xuống chân gây thương tích.

Nhân viên kho vàng lớn nhất thế giới tuân theo quy định

 

Kho vàng phụ

Có rất ít tài liệu viết về kho vàng phụ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Ấn bản năm 2004 và 2008 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York xuất bản là ‘Chìa khóa đến kho vàng’ đã tiết lộ rằng có 2 kho chứa vàng nằm dưới tòa nhà 33 Phố Liberty là kho vàng chính và kho vàng phụ:

“Vàng thỏi tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York thuộc về 36 chính phủ nước ngoài, ngân hàng trung ương và các tổ chức quốc tế chính thức được cất giữ trong 122 ngăn riêng biệt trong kho vàng chính và kho vàng phụ.”

Ấn phẩm của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York ‘A Day at the Fed’, do Charles Parnow viết, đã tuyên bố rằng:

“Một kho vàng phụ nhỏ hơn được xây dựng vào năm 1963 chứa ba tài khoản. Một tài khoản có 107.000 thỏi vàng được xếp với độ chính xác của thợ xây thành một bức tường vững chắc cao 12 feet (3,6m), rộng 10 feet (3m)và sâu 18 feet (5,4m).”

Năm 2015, nhóm truyền thông của New York đã xác nhận rằng “ kho vàng phụ là một kho vàng nằm gần kho vàng chính, do đó nó được gọi là kho vàng phụ”. Nhưng họ từ chối giải thích chi tiết. Ở những nơi khác cho rằng, cửa của kho vàng phụ có trong lượng nặng 30 tấn.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, kho vàng phụ

 

Vị trí kho vàng phụ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York có khả năng là tầng hầm B5 tòa nhà One Chase Manhattan Plaza. One Chase Manhattan Plaza (1 CMP) là một tòa nhà lớn nằm cạnh số 33 Phố Liberty, được hoàn thành vào đầu những năm 1960 bởi Chase và hiện do JP Morgan Chase chiếm giữ. Tòa nhà này nằm trên một khu đất 2 khối và giáp với các phố Nassau, William, Liberty và Pine.

Tòa nhà 1 CMP cũng có một kho chứa kim loại quý khổng lồ ở tầng hầm, ở cùng độ sâu như kho vàng chính của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Hai kho vàng này thực sự nằm liền kề nhau dưới mặt đường mỗi bên của phố Liberty.

Kho vàng phụ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York được mở vào năm 1963 –  trùng hợp với sự kiện khai trương 1 Chase Manhattan Plaza. Vì vậy, có khả năng là kho vàng phụ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York được xây dựng và lắp đặt cùng lúc với kho vàng của Chase Plaza, hoặc nói cách khác là kho vàng phụ thực sự là một phần của cấu trúc kho vàng Chase. Nếu đúng như vậy thì rất có thể sẽ có một đường hầm hoặc hành lang liên kết giữa 2 tổ hợp kho vàng.

Kho vàng dưới trung tâm mua sắm Chase Manhattan Plaza, hiện do JP Morgan sử dụng, nặng 985 tấn và có 6 cửa lớn, tổng trọng lượng là 250 tấn. Kho có chiều dài khoảng 107m, rộng 30m và cao hơn 2,4m. Các bức tường bê tông bao quanh tầng hầm dày 7m. Kho vàng này cũng được COMEX ủy quyền với tư cách là Cơ sở được phê duyệt để lưu trữ vàng, bạc, bạch kimpaladi liên quan đến các hợp đồng tương lai kim loại quý của COMEX.

Vị trí kho vàng phụ

 

Tham quan kho vàng lớn nhất thế giới

Giống như tất cả các kho vàng lớn khác của ngân hàng trung ương, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đã tổ chức các chuyến tham quan có hướng dẫn viên đến kho vàng chính cho du khách.

Đến thăm quan Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, du khách sẽ được tham quan kho vàng chính và nhìn thấy bức tường vàng đặc sắc nhất thế giới.

Để đến được kho vàng chính, du khách phải đi xuống 5 tầng, và qua những cánh cửa hình trụ xoay có then cài canh giữ . Sau đó, sẽ có cả một bức tường vàng với màu sắc lấp lánh phản chiếu. Bức tường này hoàn toàn được tạo nên từ những thỏi vàng giống nhau và hơn 90% số vàng này là của nước ngoài.

Những chuyến tham quan này cần phải được đặt trước và đôi khi được đặt trước một vài tháng. Chuyến tham quan không bao gồm kho vàng phụ. Trên thực tế, kho vàng phụ không được đề cập trong chuyến tham quan kho vàng. Đây là một ví dụ khác về việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York dường như không muốn đề cập đến sự tồn tại của kho vàng phụ.

Khi vào tòa nhà, du khách sẽ phải trải qua quá trình kiểm tra an ninh nghiêm ngặt, phải đi qua máy dò kim loại và không được phép chụp ảnh. Một số vật dụng như máy ảnh, sổ tay, balo, vali,… phải để ở bên ngoài tủ khóa.

Tham quan kho vàng lớn nhất thế giới

 

Có bao nhiêu vàng tại kho vàng lớn nhất thế giới, trước đây và hiện tại?

Số vàng trong kho vàng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York phần lớn được chuyển vào sau Thế chiến thứ 2 khi nhiều quốc gia muốn cất giữ vàng của họ ở nơi an toàn.

Kể từ những năm 1970, liên tục có sự sụt giảm về số lượng vàng thỏi được giữ tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York thay mặt cho các ngân hàng trung ương và chính phủ nước ngoài.

Năm 1963, kho vàng chính chứa 13.000 tấn vàng dưới dạng 960.000 thỏi thay mặt cho 70 khách hàng. Năm 1978, danh sách khách hàng đã tăng lên 85 quốc gia riêng lẻ. Đến cuối những năm 1990, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York báo cáo rằng có 60 khách hàng. Đến năm 2008, con số này đã giảm xuống còn 36 ngân hàng trung ương, chính phủ và các tổ chức quốc tế. Vì vậy, từ năm 1978 đến năm 2008, số lượng khách hàng đã giảm đáng kinh ngạc, với số lượng khách hàng/quốc gia ít hơn 50 khách hàng/quốc gia trong năm 2008 so với năm 1978.

Phần lớn vàng được cất giữ trong các kho vàng ở New York được cho là vàng thỏi của Ủy ban Khảo nghiệm Hoa Kỳ. Đây là những thỏi vàng hình ‘viên gạch hình chữ nhật’ có thể xếp chồng lên nhau một cách gọn gàng.

Lý do các kho chứa vàng ở New York chứa đầy những thỏi vàng này của Ủy bản Khảo nghiệm Hoa Kỳ là vì hầu hết vàng do các ngân hàng trung ương nước ngoài nắm giữ đều được mua từ Kho bạc Hoa Kỳ và đây là vàng mà Kho bạc Hoa Kỳ cung cấp khi các ngân hàng trung ương chuyển đổi đô la Mỹ của họ thành vàng thỏi trong các giao dịch này.

Trong thời đại Bretton Woods từ những năm 1940 – 1960, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và Kho bạc Hoa Kỳ cũng có chính sách nấu chảy lại vàng nước ngoài được vận chuyển tại New York thành các thỏi vàng theo tiêu chuẩn của Uỷ ban Khảo nghiệm Hoa Kỳ trước khi cất giữ. 

Có bao nhiêu vàng tại kho vàng lớn nhất thế giới, trước đây và hiện tại?

 

Năm 1991, các kho chứa vàng chứa khoảng 8.930 tấn vàng. Vào năm 1997, số lượng nắm giữ đã giảm xuống còn 7.626 tấn. Đến năm 2004, con số này đã giảm xuống còn 6.406 tấn vàng. Tính đến năm 2012, các kho vàng chứa 530.000 thỏi vàng, nặng khoảng 6.700 tấn. Tính đến năm 2016, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York báo cáo lượng vàng lưu ký của nước ngoài chỉ dưới 6.000 tấn, trị giá gần 200 tỷ đô la Mỹ.

Tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, vàng sẽ được cất giữ miễn phí nhưng sẽ mất 1,75 đô la cho việc di chuyển mỗi thỏi vàng. Hoạt động nhận và chuyển vàng sẽ được giữ kín, và không ai ngoài chủ tài khoản và kiểm toán viên được phép xem vàng trong mỗi khoang.

Có bao nhiêu vàng tại kho vàng lớn nhất tế giới

 

Ai sở hữu số vàng đang được lưu giữ tại kho vàng lớn nhất thế giới?

Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York không tiết lộ danh tính của ngân hàng trung ương nước ngoài, chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế cất giữ vàng của họ, hoặc số lượng vàng mà những khách hàng này cần cất giữ. Tuy nhiên, một số ngân hàng trung ương và tổ chức cá nhân này đã báo cáo việc cất giữ vàng của họ ở mức độ khái quát. Thông tin duy nhất mà Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York tiết lộ là (tính đến năm 2008) có 36 khách hàng vàng từ nước ngoài.

Không giống như các ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng Anh, Banque de France và Banca d’Italia, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York nắm giữ rất ít vàng thuộc về chủ sở hữu vàng của Nhà nước (tức Kho bạc Hoa Kỳ).

Ai sở hữu số vàng đang được lưu giữ tại kho vàng lớn nhất thế giới?

Danh sách trọng lượng chi tiết (hàng tồn kho lưu ký) vàng của Kho bạc Hoa Kỳ được giữ tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York có thể được nhìn thấy trong một tài liệu của Quốc hội Hoa Kỳ năm 2018. Theo báo cáo kiểm kê lưu ký đó, có 31.204 thỏi vàng được cất giữ trong 11 ngăn (được liệt kê là ngăn A – K) trong kho vàng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.

Có khả năng, tổ chức nắm giữ vàng nước ngoài lớn nhất tại các kho vàng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York là Quỹ Tiền tệ Quốc tế, với lượng dự trữ ước tính hơn 2.000 tấn. 

Người nắm giữ vàng lớn nhất tiếp theo sẽ là ngân hàng Deutsche Bundesbank. Ngân hàng này vào cuối năm 2015 đã báo cáo rằng họ có 1.347,4 tấn trong các kho vàng ở New York. Sau đó, Banca d’Italia nói rằng họ có một lượng vàng đáng kể ở New York, ước tính hơn 1.000 tấn. Ngân hàng trung ương Hà Lan, De Nederlandsche Bank, đã cất giữ 190 tấn vàng của mình tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. 

Tổng cộng, Quỹ tiền tệ Quốc tế, Bundesbank, Banca d’Italia và De Nederlandsche Bank chính thức có thể nắm giữ hơn 4.700 tấn vàng ở New York, chiếm khoảng 80% tổng số vàng được giữ trong các kho chứa Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.

Kho vàng những ngân hàng sẽ sở hữu

 

Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York là một trong 4 kho vàng được chỉ định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, 3 kho còn lại là Ngân hàng Anh, Banque de France và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ ở Nagpur. 

Vào năm 1976, lần cuối cùng Quỹ tiền tệ Quốc tế báo cáo chính thức về việc số vàng được cất giữ. Tổ chức này đã nắm giữ khoảng 3.300 tấn vàng (70%) ở New York , 822 tấn (19%) ở London, 0.4 tấn (8%) ở Paris và giữ lại 0,1 tấn (3%). 

Trong những năm 1976 – 1979, Quỹ tiền tệ Quốc tế đã bán 1416 tấn vàng nắm giữ, 708 tấn vàng thông qua đấu giá và 708 tấn thông qua phân phối cho các thành viên. Ít nhất 1.000 tấn trong số các cuộc đấu giá/phân phối này đến từ New York, điều này có nghĩa là có hơn 2.000 tấn vàng vẫn ở trong các kho vàng ở New York.

Các thỏi vàng Quỹ tiền tệ Quốc tế cất giữ tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York chủ yếu ở dạng được nấu lại theo dạng vàng thỏi của Ủy bản Khảo nghiệm Hoa Kỳ và ở các lô 18 – 22. Những thỏi vàng này được đúc cùng một lúc, và được cân cũng như kiểm tra độ mịn (độ tinh khiết) để lưu trữ hồ sơ. Giá cả của vàng trong kho phụ thuộc vào giá cả thị trường và trọng lượng, độ tinh khiết. Tuy nhiên, giá vàng  tại kho vàng này sẽ được ấn định và chỉ thay đổi khi biến động lớn xảy ra.

cân vàng trước khi lưu trữ tại kho vàng FED

 

Kể từ năm 2013, Deutsche Bundesbank đã thực hiện hoạt động hồi hương vàng với một phần vàng được cất giữ từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và từ Banque de France. Ngân hàng Bundesbank thông báo đã mang về 189 tấn vàng từ New York đến Frankfurt trong giai đoạn 2013 – 2015, để lại 1.347,4 tấn vàng ở New York và có kế hoạch chuyển thêm 111 tấn từ New York đến Frankfurt vào năm 2020. 

Do ngân hàng Bundesbank có thể dễ dàng vận chuyển 300 tấn vàng từ New York đến Frankfurt trong một năm, bản chất kéo dài nhiều năm của hoạt động này ngụ ý rằng vàng của Bundesbank thực sự không nằm trong kho của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York hoặc đã được cho thuê hoặc chuyển quyền sở hữu bằng một cách nào đó.

Do Banca d’Italia là người nắm giữ rất nhiều vàng tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và có phần lớn trong số hơn 1.200 tấn vàng dự trữ ở nước ngoài được cất giữ tại các kho vàng này. Do Banca d’Italia lưu trữ rất ít vàng tại Ngân hàng Trung ương Anh hoặc tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (hai địa điểm lưu trữ nước ngoài khác của ngân hàng này)

Ngân hàng Ý có hơn 1.000 tấn vàng được lưu trữ ở New York.

Vào tháng 11 năm 2014, ngân hàng Trung ương Hà Lan, De Nederlandsche Bank (DNB) thông báo rằng đã hồi hương khoảng 122 tấn vàng từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Điều này khiến DNB dẫn đầu ở New Yorkvới khoảng 190 tấn vàng.

Các khách hàng cất giữ vàng ở những ngân hàng Trung ương khác của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York bao gồm: Ngân hàng Riksbank của Thụy Điển cất giữ 13,2 tấn vàng (10,7% trong tổng số 125,7 lượng vàng dự trữ) tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York; Ngân hàng Trung ương Phần Lan cất giữ 8,8 tấn vàng dự trữ (18% trong tổng số 49,5 tấn) với Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.

Các khách hàng khác của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York bao gồm Ngân hàng Hy Lạp, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Banque du Liban (Lebanon), Ngân hàng Trung ương Afghanistan và Ngân hàng Ghana.

khách hàng của kho vàng lớn nhất thế giới

Comments are closed.